Mua một cây vĩ cầm là lựa chọn lớn và khó khăn đối với tân học viên. Trong con mắt không chuyên, người ta hầu như không thể phân biệt được chất lượng giữa các mẫu hàng. Chính vì vậy, bài viết này sẽ cho bạn một vài gợi ý để có thể chọn được cây đàn phù hợp với bản thân.
GIÁ TIỀN
Trước hết, hãy kiểm tra số dư tài khoản hiện tại. Bạn sẵn lòng chi trả tới mức nào? Bạn hài lòng với giá tiền bao nhiêu? Bạn có thể trả bao nhiêu? Hãy cân nhắc điều này vì giá của một cây đàn có thể trải dài từ 700K cho tới hơn 70 triệu – thỏa mãn túi tiền của mọi khách hàng. Dưới đây là phổ giá tiền ước tính cho các 3 đối tượng cụ thể.
- Mới bắt đầu: 3-10 triệu.
- Trung cấp, bán chuyên nghiệp: 20-100 triệu.
- Chuyên nghiệp: Trên 100 triệu.
THƯƠNG HIỆU
Điều tiếp theo cần để ý là thương hiệu. Violin thuộc về nhà sản xuất nào? Xuất xứ từ đâu? Một cây đàn có nguồn gốc chất lượng thì nhất định chất lượng. Trước khi quyết định mua hàng, bạn nên ưu tiên chọn đàn từ thương hiệu lớn và có uy tín để tránh lãng phí tiền bạc.
Đây là top 15 thương hiệu violin tốt nhất thị trường hiện nay:
- Stentor
- Mendini
- Cecilo
- Fiddlerman
- Franz Hoffmann
- Carlo Lamberti
- Kennedy Violin
- D Z Strad
- Cremona
- Scott Cao
- Yamaha
- Primavera
- Knilling
- Windsor
- All Days Music (ADM)
GỖ
Chất lượng gỗ là thứ quyết định phần lớn chất lượng đàn. Gỗ càng tốt thì giá càng cao. Hãy xem thử cây đàn được làm từ gỗ tự nhiên hay gỗ ép? Nó là loại gỗ nào? Đừng quên kiểm tra toàn diện xem đàn có bị nứt hay mẻ ở chỗ nào hay không?
Trong trường hợp cây đàn có vết nứt ở bên trong mà không thể nhìn bằng mắt thường thì bạn hãy gõ thử vài vị trí và kiểm tra âm thanh dội lại. Nếu chúng trong, gọn và đồng nhất thì ổn. Còn nếu bạn không tự tin thì hãy nhờ sự trợ giúp của những người hiểu biết hơn.
KÍCH CỠ
Phần này tuy đơn giản nhưng quan trọng không kém. Đương nhiên nên chọn cây đàn phù hợp với cơ thể của mình. Thử kiểm tra chiều dài cánh tay của bạn và đối chiếu với các cỡ đàn sau đây.
Kích cỡ | Độ dài cánh tay (cm) |
1/16 | 35 – 38 |
1/10 | 38 – 40 |
1/8 | 40 – 45 |
1/4 | 45 – 50 |
1/2 | 50 – 55 |
3/4 | 55 – 58 |
4/4 | 58 – vô cực |
DÙNG THỬ
Sau khi có được cây đàn vừa túi, vừa mắt, vừa tay rồi thì tiếp theo phải thử xem có vừa tai hay không. Bạn hẳn sẽ muốn chơi thử vài đoạn để cảm nhận đàn nói chung và chất lượng âm thanh nói riêng.
Tốt nhất nên thử ở nơi nào yên tĩnh và bắt đầu xây dừng tình cảm của mình dành cho cây đàn nhé!!
PHỤ KIỆN KÈM THEO
Ngoài những thứ cơ bản như hộp đàn và vĩ kéo thì về lâu dài, bạn chắc chắn sẽ cần thêm vài phụ kiện khác.
GỐI TỰA
Bạn chắc chắn sẽ cần thứ này trong quá trình luyện tập vì ai cũng muốn giảm tối đa sự khó chịu gây ra bởi thùng đàn bằng gỗ cứng khi đặt đàn lên vai. Tuy nhiên, gối tựa không hoàn toàn bắt buộc vì ta có thể dễ dàng thay thế bằng khăn mềm hoặc bắt cứ thứ gì phù hợp tùy vào mỗi người.
NHỰA THÔNG
Trong quá trình sử dụng, cây vĩ sẽ cần được chà nhựa thông để tăng độ ma sát với dây đàn. Chú ý rằng nếu chà quá nhiều sẽ làm cho âm thanh thô, tương đối chói tai và còn rơi nhiều bụi khi chơi đàn.
NHỮNG PHỤ KIỆN TÙY CHỌN CÒN LẠI
Về cơ bản, chỉ cần các phụ kiện kể trên là đủ. Ngoài ra, bạn còn có thể cân nhắc đến một bộ dây đàn dự phòng, một cây vĩ sơ cua hoặc các phụ kiện hỗ trợ chăm sóc và bảo trì đàn.
LỜI KẾT: BẠN KHÔNG PHẢI CHUYÊN GIA
Vì đây là hướng dẫn dành cho người mới nên không phải ai cũng tự mình thực hiện toàn bộ các bước kể trên. Ví dụ như đánh giá chất lượng gỗ bằng mắt thường hay xác định vết nứt bằng cách gõ thùng đàn. Tôi tin rằng chúng ta có thể dễ dàng phân biệt chất lượng âm thanh giữa một cây violin 700K và một cây 70 triệu, nhưng nếu phải so sánh giữa 2 triệu và 10 triệu thì khá khó. Vậy nếu hai cây đàn bằng tiền nhau thì sao? Chính vì thế, hãy nhờ người có kinh nghiệm hỗ trợ nếu điều kiện cho phép. Kiến thức từ những chuyên gia lúc nào cũng đáng giá.
Cuối cùng, mong rằng bài viết này hữu ích đối với bạn và chúc bạn tìm được “người cộng sự” phù hợp với bản thân.