violin

Violin là một trong những nhạc cụ khó học nhất – điều này mọi người đều đồng tình. Vậy nên làm gì để luyện tập hiệu quả và tiến bộ với tốc độ nhanh nhất? Sau đây là những bí quyết giúp bạn học và chơi được Violin nhanh đến không ngờ:

KHỞI ĐỘNG

1.TRANG BỊ

Ra chiến trường mà không mang theo vũ khí thì chả khác nào tự sát. Vì vậy, trước tiên, bạn cần được trang bị đẩy đủ. Nói thế này có vẻ thừa nhưng nếu muốn chơi violin thì bạn phải có … violin. Chẳng có gì tuyệt bằng một cây đàn phù hợp với bản thân bởi vì muốn đi xa thì cần cộng sự tốt. Thêm nữa, bạn nên sở hữu các phụ kiện hỗ trợ cho quá trình luyện tập của mình. Ví dụ như gối tựa, nhựa thông, dây đàn sơ cua, … Ngoài đàn ra thì chúng là thứ không thể thiếu.

trang bị đàn violin để thực hành

2.THỜI GIAN – ĐỊA ĐIỂM

Bước tiếp theo là lên lịch luyện tập cho bản thân. Điểm này tùy thuộc vào lịch làm việc và thời gian rảnh của mỗi người nhưng hãy đảm bảo bạn sẽ chơi đàn đều đặn và không bỏ buổi nào. Đừng vì lười hay không có hứng mà bỏ tập nhé, lòng kiên trì luôn cần được động viên.

Chọn không gian tách biệt và yên lặng để bạn có thể toàn tâm tập trung chơi đàn. Bị phân tâm sẽ làm giảm năng suất luyện tập. Một lý do nữa, với người mới, để ai đó nghe tiếng đàn tróe ngoe của mình thì rất ngại đúng không? Còn khi đã tiến bộ rồi thì đừng ngại đi khoe thành quả với bạn bè!

3.TƯ THẾ

Chơi đàn đúng tư thế giúp bạn tránh được chấn thương và giảm bớt đau nhức, khó chịu.

Thả lỏng người, thẳng lưng. Đặt đàn trên vai trái, hơi nghiêng đầu kẹp nhẹ đàn bằng hàm và vai. Thêm miếng đệm vai và cằm để giảm đau nhức. Đương nhiên nên chọn loại phù hợp với cơ thể.

Tay trái là tay bấm đàn. Đừng bấm bằng móng tay mà hãy dùng phần thịt. Hơi khép lòng bàn tay khi cầm đàn để các ngón có thể dễ dàng chuyển động. Bấm đàn dứt khoát nhưng chỉ dùng lực vừa đủ.

Tương tư đối với tay phải cầm vĩ cũng đừng ghì chặt mà thả lỏng thoải mái và chỉ dùng lực vừa đủ. Tập càng nhiều thì tay càng uyển chuyển.

tư thế chuẩn cầm đàn violin

TĂNG TỐC

1.NHẠC LÝ

Để chơi tốt violin thì cần phải có những nền tảng cơ bản. Ngoài tư thế chơi đàn chuẩn xác, điều quan trọng tiếp theo là nhạc lý. Muốn hiểu bản nhạc cần phải hiểu ngôn ngữ của nhạc sĩ. Bạn từng thấy các nhạc công violin chuyên nghiệp chơi đàn rồi chứ? Họ vừa đọc nhạc phổ vừa kéo đàn, biểu diễn một bản giao hưởng hàng giờ đồng hồ một cách hoàn hảo. Chăm chỉ chơi đàn và học nhạc lý, rồi bạn sẽ giống như họ.

Những bước đầu tiên luôn là những bước đi khó nhất. Nếu bạn muốn tự học? Ổn thôi. Nhưng tôi cho rằng hãy tìm một người thầy. Lời khuyên và sự hướng dẫn của chuyên gia có giá trị hơn bạn tưởng tượng nhiều.

bản nhạc violin

2.MỤC TIÊU

Lý do bạn chọn nhạc cụ này đơn giản là đam mê? Bạn được kỳ vọng bởi nhị vị phụ huynh? Bạn muốn “GO PRO”? Bây giờ hãy bắt đầu từ cơ bản nhé!

Ví dụ như:

  • Bấm đàn đúng nốt, kéo vĩ đúng cách: Mục tiêu cơ bản nhất mà bất kì vĩ cầm thủ nào cũng từng kinh qua. Giai đoạn này thường kéo dài vài tháng, ban đầu cơ thể và ngón tay sẽ đau mỏi nhưng bạn sẽ quen dần.
  • Chơi được một bản nhạc (đơn giản thôi) thường sẽ là đích đến tiếp theo.
  • Luyện những kỹ thuật mới và chơi được những bài khó hơn.

Quan trọng là phải có mục tiêu cụ thể vì đạt được chúng chính là động lực cho bạn.

3.TIẾN VÀ LÙI

Chơi bao nhiêu? Luyện tập thế nào là đủ? Bạn phải biết khi nào nên dừng lại. Giả như, ngày hôm đó chơi mãi mà không xong một đoạn nhạc thì phải biết nhẫn nhịn chịu lùi. Chia giờ chơi đàn một cách hợp lý, dồn dập liên tục hàng giờ liền không phải là ý hay.

Hiển nhiên, mọi chuyện không phải lúc nào cũng tốt đẹp.

VỀ ĐÍCH

Định nghĩa về đích trong bộ môn này tùy thuộc vào mỗi cá nhân. Ở trường, người ta dạy bạn “Học, học nữa, học mãi”. Tương tự, chơi đàn violin thì “Chơi, chơi nữa, chơi mãi”.

Dù là với bộ môn violin hay cái gì cũng vậy, những bước khó khăn nhất là khởi đầu. Cái đích cuối cùng hay cảnh giới cao nhất có lẽ là khả năng tự học suốt đời. Nếu xây dựng được nền tảng vững chắc thì chơi đàn violin có thể mang tới niềm vui bất tận.

“Âm nhạc đưa linh hồn tới vũ trụ, đôi cánh tới trí óc, sự bay bổng cho trí tưởng tượng và sức sống cho vạn vật” – Plato